Tìm kiếm

Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Kissinger bàn về Trung Quốc: Chiến tranh biên giới với Việt Nam



Trong “On China” – cuốn sách nửa hồi ký chính trị, nửa nghiên cứu – của mình, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger dành riêng một chương để nói về “chiến tranh Việt Nam lần thứ ba”, tức là xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông cho rằng có “ba cuộc chiến tranh Việt Nam”, chống Pháp, chống Mỹ và chống Trung Quốc.
Kisssinger ghi lại: Vào tháng 4-1979, hai tháng sau cuộc xâm lược chớp nhoáng của quân Trung Quốc vào đất Việt Nam, Hoa Quốc Phong, lúc đó là thủ tướng Trung Quốc, đã tổng kết “chiến tranh Việt Nam lần thứ ba” với một giọng điệu rõ là kiêu ngạo, nhằm cả vào Liên Xô: “Họ (Liên Xô) không dám động tay chân. Thế là cuối cùng chúng ta đã có thể sờ hông con hổ”.
Với tư cách người ngoài cuộc, và là một nhà ngoại giao Mỹ, Henry Kissinger nhận định, hành động đem quân vào Việt Nam của Trung Quốc là có ý đồ thách thức một hiệp ước phòng thủ chung được ký giữa Hà Nội và Matxcơva mới cách đó chưa đầy một tháng. Do vậy, việc “Liên Xô không dám động tay chân” có ý nghĩa rất lớn. Cựu ngoại trưởng Mỹ viết:


Cuộc chiến đặc biệt tốn kém đối với lực lượng vũ trang Trung Quốc – vốn chưa được phục hồi hoàn toàn sau Cách mạng Văn hóa. Nhưng hành động xâm lược đã đạt được hai mục tiêu căn bản của nó: Liên Xô không phản ứng nghĩa là họ đã bộc lộ sự hạn chế của mình trong khả năng vươn xa chiến lược. (…) Chiến tranh Việt Nam lần thứ ba cũng là đỉnh cao của hợp tác chiến lược Trung-Mỹ trong Chiến tranh Lạnh”.

Những điều ít người biết

Kissinger nhận thấy khi Việt Nam đương đầu với Trung Quốc, cả hai bên đều chịu một thách thức không hề nhỏ về tâm lý và địa chính trị, ấy là họ ở quá gần nhau, và về tâm lý, họ quá giống nhau. “Các nhà lãnh đạo Việt Nam đều quen thuộc với binh pháp Tôn Tử , và họ đã từng áp dụng đáng kể các nguyên tắc của binh pháp này để chống Pháp và Mỹ” – Kisssinger viết. Đây có lẽ là một điều ít người phát hiện ra hoặc đề cập đến khi bàn về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung.
Tháng 2-1976, Trung Quốc cắt đứt tất cả các chương trình viện trợ cho Việt Nam. Việc này chỉ đẩy Việt Nam về phía Liên Xô hơn: Tháng 6-1978, Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) của khối XHCN. Tháng 11-1978, Liên Xô và Việt Nam ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, trong đó có cả các điều khoản về quân sự. Tháng 12-1978, quân đội Việt Nam tiến vào giải phóng Campuchia, lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Trước đó, một thời gian dài, lính Pol Pot đã không ngừng quấy phá Việt Nam. Suốt từ năm 1975, chính quyền Khmer Đỏ nhiều lần tấn công biên giới phía tây nam Việt Nam, tàn sát thường dân, đánh phá các cơ sở kinh tế và quân sự dọc biên giới. Tuy nhiên, điều này không được cựu ngoại trưởng Mỹ nhắc tới trong cuốn sách của mình.
 
Nhìn vào cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, Kissinger nhận định: “Yếu tố ý thức hệ đã biến mất khỏi xung đột. Các trung tâm quyền lực của cộng sản (tức là các nước cộng sản – NV) cuối cùng đã tiến hành chiến tranh giành thế cân bằng quyền lực không phải căn cứ vào ý thức hệ mà hoàn toàn xuất phát từ lợi ích dân tộc”.
Theo ông, mục tiêu của Trung Quốc là “giữ thế cân bằng chiến lược ở châu Á”, và họ thực hiện chiến dịch quân sự của mình “với sự ủng hộ về tinh thần, về ngoại giao, và thông tin tình báo hợp tác từ Mỹ – chính cái “siêu cường đế quốc” mà Bắc Kinh giúp đuổi cổ khỏi Đông Dương 5 năm về trước”.
Điều Kissinger viết góp phần củng cố những gì nhà báo Ấn Độ Nayan Chanda (tạp chí Far Eastern Economic Review) bình luận năm ấy, rằng Mỹ đã là “quốc gia phương Tây duy nhất gần như ủng hộ cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc”.
Song Kissinger cũng tiết lộ một số chi tiết cho thấy thái độ của giới chức Mỹ không hoàn toàn ngả về Trung Quốc. Chẳng hạn, vào cuối tháng 2-1979, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Michael Blumenthal sang thăm Bắc Kinh, đã kêu gọi Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt, vì lẽ Bắc Kinh đang “làm liều”. Đặng Tiểu Bình phản đối. Trao đổi với báo giới trước cuộc gặp với Michael Blumenthal, Đặng tỏ ra xem thường thái độ nước đôi, và ông chế giễu “một số người nào đó” đang sợ chọc giận “Cuba của phương Đông” (ám chỉ Việt Nam).

Tinh thần dân tộc của người Việt Nam

Trong cuốn “On China”, Henry Kissinger luôn nhắc tới Việt Nam với một thái độ ngưỡng mộ dành cho tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của người Việt. Dường như đối với ông, đó là đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách dân tộc Việt Nam.
Ông nhận định, Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam nhiều trong kháng chiến chống Mỹ, một phần vì ý thức hệ, một phần là để đẩy các căn cứ quân sự của Mỹ ra xa khỏi biên giới Trung Quốc, càng xa càng tốt. Tháng 4-1968, Chu Ân Lai nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc bị bao vây chiến lược. “Phạm Văn Đồng đã đưa ra một câu trả lời mơ hồ – cái chính là bởi lẽ, ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc bị bao vây chưa bao giờ là mục tiêu của Việt Nam, và các mục tiêu Việt Nam đặt ra thuần túy là những mục tiêu dân tộc chủ nghĩa” – Kissinger viết.
Ông tường thuật lại cuộc đối thoại đó như sau:

Chu Ân Lai: Đã lâu rồi, Mỹ nửa bao vây Trung Quốc. Bây giờ Liên Xô cũng đang bao vây Trung Quốc. Vòng vây đang khép kín lại, chỉ còn trừ phần tiếp giáp với Việt Nam.
Phạm Văn Đồng: Chúng tôi hoàn toàn quyết tâm đánh bại đế quốc Mỹ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Chu Ân Lai: Đó là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ các đồng chí.
Phạm Văn Đồng: Việc chúng tôi chiến thắng sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với châu Á. Thắng lợi của chúng tôi sẽ mang đến những kết quả không thể dự tính trước.
Chu Ân Lai: Đồng chí nên nghĩ như vậy.
Trên thực tế, Trung Quốc đã gửi hơn 100.000 viên chức phi quân sự sang Việt Nam để giúp đỡ miền Bắc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và hậu cần. Điều thú vị là, như Kissinger nhận định, “Mỹ thì chống miền Bắc Việt Nam, coi đó như mũi giáo xung kích của một liên minh Xô-Trung. Trung Quốc thì giúp đỡ Hà Nội để làm cùn bớt lưỡi dao của Mỹ thọc vào châu Á. Cả hai đều nhầm. Hà Nội chỉ chiến đấu vì một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, chiến thắng vào năm 1975, sẽ là mối đe dọa chiến lược to lớn đối với Trung Quốc còn hơn đối với Mỹ”.
Trở lại với cuộc chiến tranh biên giới tháng 2-1979. Với Henry Kissinger, đây lại là một dịp nữa để thế giới chứng kiến tình yêu nước của nhân dân Việt Nam. Và không chỉ có thế, người ta còn thấy trong bản sắc dân tộc Việt Nam hai xu hướng gần như đối chọi nhưng lại song song tồn tại, rất rõ ràng: Một mặt, hấp thụ văn hóa Trung Quốc; mặt khác, chống lại ảnh hưởng chính trị và quân sự của Trung Quốc.

Những phân tích hậu chiến

Kissinger trích dẫn cuộc đối thoại của ông với Đặng Tiểu Bình, một tháng sau khi Trung Quốc rút quân:
Đặng: Sau khi về nước (từ Mỹ), chúng tôi tiến hành chiến tranh ngay. Nhưng chúng tôi đã hỏi ý kiến Mỹ trước rồi. Tôi có nói chuyện với Tổng thống Carter và sau đấy ông ta trả lời rất hình thức và theo nghi thức. (…) Tôi bảo: Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề một cách độc lập và nếu có rủi ro gì thì Trung Quốc sẽ chịu một mình. Chúng tôi nghĩ nếu chúng tôi tiến sâu hơn vào đất Việt Nam trong chiến dịch trừng phạt, thì có khi còn tốt nữa.
Kissinger: Có thể.
Đặng: Là do quân lực của chúng tôi không đủ để đánh xuống tận Hà Nội thôi. Mà cũng không nên đi quá xa như thế.
Kissinger: Không nên, mọi chuyện có thể vượt ra ngoài khả năng tính toán.
Đặng: Phải, ông nói đúng. Nhưng chúng tôi đã đi sâu tới 30 km vào lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi chiếm được tất cả các điểm phòng thủ. Không còn một tuyến phòng thủ nào trên đường về Hà Nội.
Ngày 5-3-1979, Trung Quốc bắt đầu rút quân. Dù Hoa Quốc Phương và chính quyền Trung Quốc đều tuyên bố chiến thắng, nhưng theo Henry Kissinger, đó là một cuộc chiến gây tổn thất to lớn cho Trung Quốc. “Ảnh hưởng của việc chính trị hóa quân đội (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc - PLA) trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa bộc lộ rõ ràng trong chiến dịch quân sự tấn công Việt Nam: trang thiết bị lạc hậu, hậu cần yếu kém, nhân lực thiếu, kỹ thuật kém linh hoạt. PLA tiến quân rất chậm và phải trả giá đắt. Theo thống kê của một số nhà phân tích, trong một tháng giao tranh với Việt Nam, số thiệt mạng của PLA ngang với số lính Mỹ bị giết trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam”.
Song cái mà Trung Quốc đạt được, theo Henry Kissinger, đó là cơ hội để họ hợp tác chặt chẽ với Mỹ hơn bất kỳ lúc nào khác trong Chiến tranh Lạnh. Ông cho rằng nếu không có sự hỗ trợ từ phía Mỹ, Trung Quốc sẽ không thể “sờ hông con hổ” (ám chỉ Liên Xô).
406415_10150611312703322_641613321_8895456_217801360_n.jpg
Bài đã đăng trên Pháp Luật TP Hồ Chí Minh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét