Tìm kiếm

Trang

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

“Chúng nó” – Bọn trẻ con miền núi?…


Bài này đã được đăng cũng lâu rồi chắc mọi người đã quên, nhân một mùa đông lạnh giá sắp tới mình xin đăng lại cho mọi người cùng nhìn lại một góc nhìn khác về "trẻ em dân tộc" và những đồng bào dân tộc của ta sống như thế nào so với cuộc sống thường ngày của mọi người miền xuôi.

Để chuẩn bị lên Điện Biên, chúng tôi đi tìm mua áo rét cho học sinh mầm non với số lượng trên ngàn chiếc. Cũng lần mò không ít chỗ, cuối cùng mua được 1.150 chiếc áo rét, cả cho cháu trai, cả cho cháu gái, với giá 85.000 đ/ áo nữ và 105.000đ/ áo nam. Có thể nếu nhiều thời gian hơn, sẽ tìm ra “mối” rẻ hơn.
Nhưng đến giờ, với chất lượng tương đương, đó vẫn là giá tốt nhất chúng tôi tìm được. Điều vui là thầy cô, phụ huynh đều khen áo đẹp và tốt, phù hợp với các em nhỏ vùng cao.



Lần đầu tiên được biết đến áo ấm
Chúng tôi chuyển đến các em ở Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Quảng Lâm (Huyện Mường Nhé) và Núa Ngam, Mường Nhà, Mường Lói (Huyện Điện Biên). Giữa chừng hết áo, điện về Hà Nội, lấy tiếp lô 650 áo len xuất khẩu, gửi qua xe khách chạy đêm, sáng sớm nhận ở bến xe, lại đi tiếp để trao cho các cháu.
Cô Phương giúp cháu nhé!…
Giá gốc mỗi áo là 85.000 đ, người bán biết đem đi cho “Chúng nó – Bọn trẻ con miền núi”, chỉ lấy 35.000 đ/chiếc.

Nhưng vẫn thiếu.

Chúng tôi rời Điện Biên, ngậm ngùi vì còn nhiều cháu chưa có áo ở những trường chúng tôi đã đến.

Không biết chúng tôi có thể kịp huy động giúp đỡ để khoảng 500 cháu nữa có áo rét mới như 1.800 cháu vừa nhận hay không.

Trẻ con hay tủi thân nếu thấy bạn có mà chúng không có. Mà số 1.800 áo đã phát, giá là 133 triệu, chúng tôi mới có được 80 triệu tiền ủng hộ. Số còn lại đang nợ.
Khi xe bớt xóc, chúng tôi vẫn cố bấm chiếc IPad có 3G của anh Khôi để xem tin tức. Khi đã 8 giờ tối, xe trên đồi ở khu Mường Nhà, cả bọn bức xúc đến mức phải xuống xe, đi lại trong cái lạnh để hạ nhiệt.

Là vì đọc cái tin hai vị cán bộ của ngành Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng đánh cờ tướng ăn tiền, ông Phó Giám đốc Sở thua ông Giám đốc Trung tâm 22 tỷ, mới trả 5 tỷ, ông được bạc dọa xử “luật rừng” với ông thua bạc (là cấp trên của mình?).

Xe dành chở đồ cho các cháu, chả còn chỗ để ngồi, chịu khó tý nhé
Với mức giá bình quân (lấy cho chẵn) là 100.000 đ/ một áo phao ấm, số tiền 5 tỷ đã kia mua được áo cho 50.000 đứa trẻ vùng cao! Cả tỉnh trẻ con thoát rét!…

Nếu là 22 tỷ, đủ cho 220.000 đứa trẻ có áo ấm. Tức là toàn bộ trẻ bán trú dân nuôi của đất nước này (mà vẫn thừa đấy, vì chúng chưa đầy 20 vạn).
Với sự vào cuộc của một Quỹ Từ thiện, chương trình “Cơm có thịt” đã phủ khắp huyện Văn Chấn, Yên Bái. 1.411 học sinh dân tộc bán trú, nếu cả năm học ăn “cơm có thịt” ở mức đang giúp chúng, cần 1.693.200.000 đồng. Làm tròn là 1,7 tỷ.

Với 5 tỷ, hầu như 1.411 đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 9 ấy sẽ ăn cơm thịt trong 3 năm. Hoặc 3 huyện như Văn Chấn được phủ “Cơm thịt” cho bán trú dân nuôi trong 1 năm học.

Còn nếu là 22 tỷ thì đủ cho 20.000 đứa trẻ có cơm thịt ăn trong 1 năm học! 20.000 đứa sẽ lên cân. Có đứa như ở Suối Giàng lên 5 kg trong hai tháng rưỡi.

Gần 1.000 km đường rừng, mới bò được lên Mường Nhé
Hai vạn đứa học sinh khỏe mạnh, hồng hào hơn, học hành đều đặn hơn. Bốn vạn ông bố bà mẹ ấm lòng hơn.

Hàng ngàn thầy cô nhẹ nhõm, hạnh phúc hơn.

Và nhiều vạn người dân xung quanh có thêm niềm tin rằng họ không bao giờ phải cô đơn chống chọi với cái nghèo.
Miếng thịt hay cái áo là những cái vật chất nhỏ, nhưng cùng mái trường, cái chữ, nó góp phần mình vào chuyện dựng xây cái lớn lao là niềm tin yêu của những người dân chân thật.

Tôi nhớ lại những người không quen bỏ công bỏ việc dắt chúng tôi đi, nhận chúng tôi là họ hàng, nằn nì chủ buôn hàng quen để được giảm giá áo “cho chúng nó”.
Tôi nhớ lại người bán bao tải chở hàng, khi biết các bạn tôi mua bao về để chở áo lên Điện Biên, đã nói giá 15.000 đ/ bao, lại bớt tiền, lấy 10.000 đ/bao, còn mấy chục ngàn kia “cho chúng nó”!…

Tập trung áo, phân loại theo độ tuổi – giới tính để trao cho các cháu
Tôi nhớ khi vượt ngầm suối vào điểm trường ở Mường Nhé (Điện Biên), xe húc vào đá, bẹp thanh chắn.
Ở Điện Biên, mặc cả mãi, chủ xưởng nhận gò lại với giá 600.000 đ. Lúc trả tiền, ngẫu nhiên biết xe hỏng do chở áo rét cho trẻ Mầm non, lập tức chủ xưởng chỉ nhón lấy 3 tờ 50.000 trả cho thợ, còn thì “cho chúng nó”.

Và tôi nhớ trước đó, trong buổi văn nghệ của học sinh Trường Quốc tế Olympia – Hà Nội, ông Chủ tịch trường cởi bỏ âu phục, mặc bộ đồ nông dân, cầm nón làm ra bộ hành khất đi khắp các hàng ghế xin quyên góp cho trẻ nghèo.
 
Cuối buổi, học sinh trao cho tôi chiếc nón có 50 triệu tiền ủng hộ, để chúng tôi mua áo mang lên Điện Biên sau đó 2 ngày.

Chiếc nón ấy, tôi sẽ treo trước bàn làm việc của tôi, khi còn có việc làm, và ở nhà mình, nếu có khi thất nghiệp.

Sướng ơi là sướng. Thích ơi là thích!…
Để có niềm tin rằng, có những kẻ mặt dày đang đòi nhau 5 tỷ hay 22 tỷ kia, nhưng còn có bao nhiêu người tôi biết tên và không biết tên, người có nhiều góp nhiều, người ít góp ít, để “cho chúng nó” .

Chúng nó là những đứa trẻ con. Trẻ con, không lâu nữa, lớn lên, sẽ là đất nước này. Trẻ con bao giờ cũng giữ trong tay quyền phán xét cuối cùng!…

Trần Đăng Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét