Tìm kiếm

Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Ấn Độ không còn ngán rồng 5 sao.

(VnMedia) - Trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ luôn thoái lui trước sự doạ dẫm của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã thay đổi. Điều này được thể hiện rõ qua việc New Delhi gần đây liên tục tăng cường sức mạnh quốc phòng dọc khu vực biên giới Arunachal tranh chấp với Trung Quốc.


(hệ thống tên lửa siêu âm chiến lược Brahmos do Ấn - Nga hợp tác sản xuất có thể nói là tốt nhất hiện nay) 


Trung Quốc tức giận, Ấn Độ chẳng sợ

Có thể nói, một loạt những động thái của Ấn Độ trong những tháng gần đây nhằm củng cố quốc phòng ở khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc đã khiến anh bạn láng giềng khổng lồ này nổi giận. Bắc Kinh đã tìm cách nhắc nhở New Delhi về sức mạnh vượt trội của họ.

Tháng 6 vừa rồi, Tướng J J Singh, Thống đốc bang Arunachal Pradesh đồng thời là cựu Chỉ huy quân đội Ấn Độ, đã thông báo Ấn Độ sẽ triển khai hai lữ đoàn - mỗi lữ đoàn có khoảng từ 25.000 đến 30.000 quân, dọc biên giới với Trung Quốc ở Arunachal. Một vài ngày sau, 4 chiếc máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MIK đã được triển khai tại căn cứ của Không lực Ấn Độ (IAF) ở Tezpur, Arunachal. Chưa hết, IAF còn thông báo kế hoạch sẽ tăng số máy bay này lên thành một phi đội gồm 18 máy bay.

Phát biểu về những động thái trên, một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết những biện pháp mà New Delhi thực thi dọc đường biên giới Arunachal giữa Trung Quốc và Ấn Độ “không nhằm mục đích gây hấn" mà đơn giản chỉ là "dựng lên một hàng rào bảo vệ vững chắc và đáng tin cậy trước một nước láng giềng khổng lồ được trang bị hết sức đầy đủ". Theo Tướng Singh, những động thái đó là nhằm đối phó với “những thách thức an ninh tương lai” từ phía Trung Quốc.

Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã được cải thiện trong những năm gần đây. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, tranh chấp xung quanh đường biên giới dài 4.057km giữa hai nước này vẫn chưa được giải quyết. Năm 1962, giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã nổ ra một cuộc chiến tranh ngắn liên quan đến tranh chấp biên giới. Kết quả là Ấn Độ đã thất bại.

Trong cuộc chiến đó, Trung Quốc đã chiếm 38.000 km vuông lãnh thổ ở Aksai Chin, một góc ở khu vực đông bắc Jammu và Kashmir. Phần lãnh thổ này hiện vẫn đang nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang giữ 5.180 km vuông đất ở Kashmir do Pakistan nhượng lại cho nước này năm 1963.

Trong cuộc chiến năm 1962, các binh lính Trung Quốc đã tiến sâu vào khu vực đông bắc Ấn Độ nhưng sau đó đã rút đi. Bắc Kinh tiếp tục đòi chủ quyền trên vùng lãnh thổ rộng khoảng 90.000 km, bao phủ gần hết bang Arunachal Pradesh. Trung Quốc gọi vùng lãnh thố đó là “Nam Tây Tạng".

Trung Quốc liên tục nhắc đi nhắc lại rằng cuộc chiến năm 1962 chưa phải là chương cuối trong cuộc tranh chấp xung quanh bang Arunachal và rằng Arunachal vẫn là vùng lãnh thổ đang bị tranh chấp. Bất kỳ động thái nào của Ấn Độ nhằm xác định quyền kiểm soát đối với khu vực biên giới Arunachal đều khiến Trung Quốc nổi giận. Ví dụ như năm 1986, việc Ấn Độ nhắc đến Arunachal như là một bang của nước này đã châm ngòi cho một cuộc giao tranh ác liệt giữa hai nước ở Sumdurong Chu.

Lần này cũng không có gì khác. Bắc Kinh đã nhanh chóng phản ứng trước việc New Delhi tăng cường quân đội ở Arunachal. Một bài xã luận được đăng trên tờ Global Times, một tờ báo khổ nhỏ của hãng thông tấn People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã viết: “Có vẻ nhưng Ấn Độ đang tin là Trung Quốc sẽ chiều theo ý họ trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Đó là một ý nghĩ thiếu sáng suốt. Trung Quốc sẽ không bao giờ thoả hiệp trong vấn đề này”.

Bài báo cảnh báo rằng việc Ấn Độ “điều động thêm 60.000 binh lính” đến khu vực biên giới với Trung Quốc sẽ dẫn tới “sự đối đầu giữa hai nước”. Bài báo này còn yêu cầu chính phủ Ấn Độ cân nhắc xem liệu “họ có thể gánh chịu nổi những hậu quả từ một cuộc đối đầu tiềm năng với Trung Quốc hay không".

Lời đe doạ trên được kèm theo bởi một lời nhắc nhở rằng Ấn Độ sẽ không thể đọ được về sức mạnh với Trung Quốc. "Ấn Độ luôn coi Trung Quốc là một mối đe doạ tiềm năng và là một đối thủ cần phải vượt qua. Tuy nhiên, trên thực tế, Ấn Độ không thể cạnh tranh với Trung Quốc trong một số lĩnh vực như ảnh hưởng quốc tế, sức mạnh quốc gia toàn diện và sức mạnh kinh tế. Rõ ràng, Ấn Độ chưa nhận thức được thực tế này."

Tại sao Trung Quốc lại muốn có Arunachal?

Các chuyên gia quân sự Ấn Độ cho rằng tầm quan trọng của Arunachal đối với Trung Quốc nằm ở yếu tố địa lý. Việc kiểm soát Arunachal sẽ giúp quân đội Trung Quốc nếu cần có thể tràn qua Thung lũng Brahmaputra và phần còn lại ở phía đông bắc Ấn Độ.

Trong khi những chuyên gia khác lại cho rằng Trung Quốc tìm cách đòi chủ quyền đối với khu vực Arunachal, và cụ thể là Tawang, là nhằm để củng cố quyền kiểm soát đối với Tây Tạng. Tawang chính là nơi sinh của Đạt La Lạt Ma đời thứ 6 và Tu viện Tawang, tổ đình của Phật Giáo Ðại Thừa Ấn Ðộ, là nơi tôn tàng pho tượng Ðức Phật cao 80 bộ nổi tiếng chỉ đứng thứ nhì sau Tu Viện Lhasa trên thế giới. Tu viện Tawang “thực sự là một kho báu của văn hoá và tín ngưỡng Phật giáo Tây Tạng." Người Tây Tạng coi tu viện Tawang là nơi cất giữ những dấu vết còn lại cuối cùng của một Tây Tạng đã bị văn hoá của người Hán Trung Quốc nhấn chìm.

Các học giả Trung Quốc cho rằng việc kiểm soát Tu viện Tawang sẽ giúp Bắc Kinh “giành được trái tim của những người Tây Tạng".

Chính vì những nguyên nhân nói trên, trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường đòi chủ quyền ở khu vực Arunachal. Các nhà ngoại giao Ấn Độ cho biết Trung Quốc không khoan nhượng trong vấn đề Tawang. Tháng 11 năm 2006, Đại sứ Bắc Kinh tại Ấn Độ - ông Sun Yuxi đã phát biểu trên đài truyền hình Ấn Độ rằng “toàn bộ bang Arunachal Pradesh là thuộc chủ quyền của Trung Quốc". Một vài tháng sau, Trung Quốc từ chối cấp visa cho một công dân Ấn Độ đến từ bang Arunachal với lý do anh này đến từ một vùng lãnh thổ của Trung Quốc và vì vậy không cần phải có visa. Những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo chính trị Ấn Độ đến bang Arunachal đều khiến Bắc Kinh “xù lông”.

Gần đây, Trung Quốc đã tìm cách cản trở việc Ấn Độ nộp đơn vay khoản tiền 2,9 tỉ USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), trong đó có khoảng 60 triệu USD cho một dự án quản lý nước ở Arunachal. Theo lời Bắc Kinh, sở dĩ họ phản đối việc trên là vì những dự án đó nằm trên “khu vực lãnh thổ tranh chấp”. Sau đó, khi ADB thông qua khoản vay trên, Bộ Ngoại giao của Trung Quốc đã bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ".

Các quan chức Ấn Độ cho hay trong năm qua, số lần Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ của Ấn Độ đã tăng lên gấp 4 lần, hầu hết là ở khu vực biên giới Arunachal.

Trong nhiều thập kỷ, sau nhiều thất bại bầm dập trước Trung Quốc, Ấn Độ thường chọn cách thoái lui trước những dọa dẫm của Trung Quốc. Nhưng tình hình giờ đã thay đổi. Một Ấn Độ mạnh hơn lên, bạo dạn hơn lên đang khiến Trung Quốc cảm thấy rất khó chịu.

Theo các nhà phân tích Ấn Độ, sẽ không ai trong số 2 nước muốn gây chiến tranh. Tuy nhiên New Delhi không bác bỏ khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự giới hạn ở khu vực phía đông bang Arunachal - một chiến dịch chớp nhoáng nhằm tước lấy Tawang của Ấn Độ. Vì lẽ đó, Ấn Độ đang tìm cách củng cố quân đội ở Arunachal để đối phó với một tình huống như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét